Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng và gián đoạn giao thương với Mỹ nếu thuế quan 30% đối với hàng nhập khẩu từ khối này của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong cuộc họp với các bộ trưởng và quan chức của 27 nước thành viên EU, Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic cho rằng mức thuế 30% mà ông Trump công bố cuối tuần trước là quá cao và có thể xem như cấm giao thương.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này trong năm ngoái. Tổng thống Trump bất bình với khoản thâm hụt hàng hóa 235 tỷ USD với EU, bất chấp Mỹ thặng dư về dịch vụ. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Barclays ước tính nếu thuế quan trung bình ở mức 35% đối với hàng hóa EU, bao gồm thuế đối ứng và thuế theo ngành, kết hợp thuế trả đũa 10% từ Brussels, sẽ làm giảm 0,7 điểm phần trăm GDP của khu vực đồng euro.
Điều này có thể bào mòn phần lớn mức tăng trưởng vốn đã rất thấp của eurozone và EU trong năm ngoái. Tại Đức, Viện Kinh tế IW ước tính thuế quan 20-50% sẽ khiến nền kinh tế 4.300 tỷ euro của nước này thiệt hại hơn 200 tỷ euro từ nay đến 2028. Điều này có thể làm đảo lộn kế hoạch giảm thuế và chi tiêu cho nâng cấp cơ sở hạ tầng của Thủ tướng Friedrich Merz.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức Volker Treier kêu gọi hành động nhanh để ngăn chặn ‘sự sụp đổ thương mại xuyên Đại Tây Dương’. Trong cuộc họp ở Brussels hôm 14/7, các bộ trưởng châu Âu vẫn tin rằng họ có thể thuyết phục được Tổng thống Trump và đạt được một thỏa thuận trước thời hạn 1/8.
Tuy nhiên, những thay đổi thất thường trong thái độ của ông Trump với Liên minh châu Âu khiến mối đe dọa thuế quan mức 30% hiện hữu. Nếu mức thuế 30% có hiệu lực, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế.
Về lâu dài, EU sẽ phải tìm cách bù đắp sụt giảm hoạt động kinh tế để duy trì khả năng hiện thực hóa các tham vọng từ chăm sóc dân số già đến chi tiêu cho quân sự. EU đang nỗ lực đa dạng hóa xuất khẩu và đạt được một số thỏa thuận sơ bộ với đối tác mới.
Tuy nhiên, việc hoàn tất các thỏa thuận lớn như EU – Mercosur vẫn chậm trễ. Một số nhà quan sát cho rằng thế đối đầu với ông Trump chính là cú hích mà EU cần để hoàn tất các cải cách nội bộ đã bị trì hoãn lâu nay.